Công ty Tín Chỉ Carbon Việt Nam (TCCV) tự hào giới thiệu dự án "Trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon tại Mahaxay", được triển khai nhằm giải quyết tình trạng suy thoái rừng và biến đổi khí hậu đang tác động đến cộng đồng nông nghiệp tại Mahaxay, Lào. Dự án không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Dự án ra đời trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Lào, từ năm 1990 đến nay, nhiệt độ trung bình đã tăng từ 1-2 độ C. Hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô và các đợt mưa kéo dài vào mùa mưa đã làm suy thoái đất, giảm năng suất nông nghiệp và gia tăng nguy cơ lũ lụt.
Mahaxay, thuộc tỉnh Khammouane, là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những biến đổi này. Đây là vùng đất rộng lớn với sự phụ thuộc lớn của người dân vào nông nghiệp và khai thác tài nguyên tự nhiên. Tình trạng phá rừng kéo dài trong 20 năm qua đã khiến diện tích rừng nguyên sinh tại Mahaxay giảm khoảng 30%.
Dự án của chúng tôi nhằm khắc phục sự suy thoái rừng tại Mahaxay và tạo ra mô hình kinh tế bền vững thông qua tín chỉ carbon. Các nghiên cứu cho thấy việc tái tạo rừng không chỉ giúp khôi phục hệ sinh thái mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương thông qua việc phát triển tín chỉ carbon và du lịch sinh thái.
Kết hợp tái tạo rừng và phát triển tín chỉ carbon
Dự án "Trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon tại Mahaxay" được thiết kế với nhiều sáng kiến mới nhằm giải quyết các thách thức về suy thoái rừng và biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương. Nổi bật nhất là việc kết hợp giữa tái tạo rừng và phát triển tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon được xem là công cụ tài chính quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính bằng cách khuyến khích và tạo động lực tài chính cho cộng đồng tham gia bảo vệ và tái tạo rừng.
Dự án đặt mục tiêu tái tạo và phục hồi 150 ha rừng tại khu vực Mahaxay trong vòng 2 năm đầu tiên và mở rộng lên 10.000 ha trong 5 năm tiếp theo. Điều này sẽ tạo ra từ 200.000 đến 350.000 tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương với việc giảm lượng phát thải từ 200.000 đến 350.000 tấn CO2.
Dự án được chia thành 5 giai đoạn chính kéo dài trong vòng 30 năm, với kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Mục tiêu cuối cùng là duy trì và phát triển các nguồn thu nhập bền vững từ việc bán tín chỉ carbon và các sản phẩm phụ từ rừng.
Công nghệ tiên tiến trong quản lý
Điểm đặc biệt của dự án là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý và giám sát rừng một cách hiệu quả hơn. Công nghệ AI hỗ trợ tính toán và xác định lượng carbon hấp thụ của rừng, giúp việc đo lường và báo cáo minh bạch hơn, bảo đảm độ chính xác cao khi phát hành tín chỉ carbon. GIS được sử dụng để theo dõi sự thay đổi diện tích rừng, tình trạng sức khỏe của rừng, và phân tích dữ liệu địa lý nhằm tối ưu hóa các hoạt động tái tạo.
Tích hợp du lịch sinh thái
Không chỉ dừng lại ở việc trồng rừng và phát triển tín chỉ carbon, dự án còn tích hợp với du lịch sinh thái để khai thác tối đa tiềm năng của khu vực. Mahaxay có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển loại hình này, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng. Bằng cách kết hợp bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, dự án hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái kinh tế bền vững, giúp cộng đồng địa phương không chỉ có thu nhập từ nông nghiệp mà còn từ các hoạt động bảo vệ môi trường và dịch vụ du lịch.
Chi phí đầu tư và kết quả đạt được
Dự án có chi phí ban đầu dự kiến khoảng 1,5 triệu USD, bao gồm các khoản chi cho khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua giống cây và đào tạo cộng đồng. Chi phí vận hành hàng năm ước tính 300.000 USD, dùng cho các hoạt động chăm sóc rừng, đo đạc tín chỉ carbon và bảo vệ rừng. Nguồn tài chính dự kiến đến từ việc bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, với lợi nhuận hàng năm ước tính đạt 400.000 USD khi rừng đạt đến độ trưởng thành.Sau hai năm triển khai, chúng tôi đã phục hồi được 150 ha rừng; đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho 200 hộ gia đình thông qua việc tham gia vào hoạt động bán tín chỉ carbon và phát triển du lịch sinh thái.Thông qua các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý rừng cho người dân, dự án đã đóng góp vào việc cải thiện đa dạng sinh học, giúp khôi phục và duy trì sự cân bằng sinh thái tại Mahaxay.
Tầm nhìn tương lai
Chúng tôi kỳ vọng rằng dự án sẽ trở thành một mô hình mẫu về phát triển rừng và tín chỉ carbon không chỉ tại Lào mà còn mở rộng ra các khu vực khác trong Đông Nam Á. Công ty Tín Chỉ Carbon Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương thông qua các dự án bền vững như vậy.
Comments